Sau thử nghiệm chia nhỏ giỏ hàng để bán ở quý 2, chiến lược mới của Tập đoàn Nam Long (HOSE: NLG) với khẩu hiệu “Chung tay đưa nhà dễ sở hữu trở lại” đã mang lại kết quả tích cực khi doanh số bán hàng tăng mạnh trở lại trong quý 3, đặc biệt trong 2 tháng 10 và 11.
Thị trường bất động sản trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, trong đó phải kể đến câu chuyện lệch pha cung cầu hay thanh khoản thị trường ở mức thấp. Dẫn chứng cho điều này, đại diện CBRE cho biết, trong 9 tháng đầu năm nay, nguồn cung mới căn hộ tại TPHCM chỉ đạt hơn 7,700 căn, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, còn ở Hà Nội chỉ đạt hơn 6,900 căn hộ.
Phân khúc căn hộ bình dân và trung bình ngày càng thu hẹp ở hai thành phố lớn. Cụ thể, tỷ trọng căn hộ trung cấp và bình dân ở TPHCM chỉ chiếm 16% trong 9 tháng đầu năm, còn ở Hà Nội thì chiếm 31%.
Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản còn đến từ câu chuyện thiếu niềm tin của khách hàng.
Ông Trần Xuân Ngọc – Tổng Giám đốc NLG cho biết, khách hàng bị thiếu niềm tin ở nhiều chủ đầu tư và thị trường bất động sản nói chung, thậm chí nhiều người có tiền vẫn không dám xuống tiền để mua sản phẩm.
Dù vậy, thị trường vẫn có cơ hội phục hồi từ nhu cầu ở thật vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó, nhiều chính sách tháo gỡ từ phía Chính phủ cũng là yếu tố hỗ trợ cho thị trường.
Chiến lược “Chung tay đưa nhà dễ sở hữu trở lại”
Trước bối cảnh chung của thị trường đó, Nam Long đã đưa ra chiến lược “Chung tay đưa nhà dễ sở hữu trở lại” để hiện thực hóa hoạt động kinh doanh.
Theo ông Trần Xuân Ngọc, chiến lược đầu tiên của Nam Long là làm sao phải gắng được sản phầm nhà ở vừa túi tiền đến với khách hàng. Sản phẩm vừa túi tiền ở đây là trong từng phần khúc sản phẩm đều cung cấp ra được các sản phẩm mà khách hàng có nhu cầu đều có thể mua được.
Điểm thứ hai là làm sao cải thiện cách tiếp cận khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Không chỉ dừng lại ở việc tung ra sản phẩm có giá bán ưu đãi mà còn phải tiếp cận được khách hàng có nhu cầu ở thật.
Thứ ba, Nam Long phải chấp nhận bỏ qua những lợi ích nhỏ để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đi sâu hơn, Nam Long đưa ra chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm, xây dựng chính sách xoay quanh khách hàng mà ở đó Tập đoàn với vai trò điều phối, phối hợp với các bên liên quan từ ngân hàng đến nhà thầu, nhà cung cấp,…
Khung chính sách của Nam Long được xây dựng trên 5 yếu tố. Đầu tiên là về giá, làm sao để tối ưu về giá mà không giảm chất lượng để khách hàng có thể chấp nhận được. Chẳng hạn Nam Long sẽ thỏa thuận với nhà cung cấp, nhà thầu để giảm chi phí đầu vào, đưa mức giá bán xuống thấp.
Liên quan đến tiến độ thanh toán, trước kia các sản phẩm của Nam Long từ 12-16 tháng, giờ đây được kéo dài 24-36 tháng.
Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất, Nam Long có cách tiếp cận tùy sản phẩm, dự án mà có thể giảm 3-5%. Ông Ngọc cho biết, Nam Long không muốn khuyến khích hỗ trợ lãi suất 0% vì điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu cơ nhiều hơn.
Trong thời gian khó khăn, nhiều khách hàng sở hữu sản phẩm Nam Long nhưng gặp sự cố về tài chính thì Tập đoàn ngồi lại để hỗ trợ bán lại hoặc thỏa thuận với ngân hàng.
Điểm cuối cùng là cải thiện dịch chăm sóc khách hàng.
Doanh số bán hàng nhảy vọt
Nhờ những chiến lược mới mà hoạt động bán hàng của Nam Long đã cải thiện đáng kể. Nếu đến cuối quý 2, doanh số mới chỉ đạt 867 tỷ đồng thì đến cuối quý 3 đạt 1,769 tỷ đồng. Riêng 2 tháng 10 và 11, doanh số tiếp tục tăng vọt, ghi nhận hơn 3,038 tỷ đồng đến cuối tháng 11.
Trong đó doanh số từ dự án Akari City đạt 1,277 tỷ đồng, dự án Mizuki Park đạt 457 tỷ đồng và dự án Waterpoint đạt 1,304 tỷ đồng.
Tổng Giám đốc Nam Long cho biết, dù doanh số bán hàng vẫn còn khiêm tốn so với kế hoạch nhưng nhìn vào xu hướng, kỳ vọng tháng cuối năm sẽ đạt thêm 1,000-1,500 tỷ đồng.
Nói về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã được thông qua năm 2023, ông Ngọc cho biết Nam Long có thể thực hiện hơn 80% kế hoạch lợi nhuận. Một phần do việc chuyển nhượng 25% dự án Paragon sẽ lùi lại vào năm 2024 do vướng vài thủ tục pháp lý.
Theo: vietstock